Cùng mẫu bàn ghế, cùng loại gỗ và kích thước sao giá bán khác nhau?

Bạn đang có nhu cầu mua bàn ghế phòng khách gỗ tự nhiên nhưng đã khảo giá rất nhiều nơi và phát hiện ra rằng có nhiều sản phẩm cùng chất liệu gỗ, cùng kích thước nhưng mỗi người bán 1 giá khác nhau. Thậm chí cùng 1 người bán mà lại bán tới vài mức giá khác nhau.

Tại sao lại như vậy?

Tại sao cùng một mẫu bàn ghế, cùng loại gỗ và giống nhau cả về kích thước mà giá bán mỗi nơi mỗi khác?

Đây là thắc mắc của rất nhiều khách hàng nên Xưởng gỗ An Lạc sẽ giúp bạn giải đáp trong bài viết này nhé.

Hàng đục tay đắt hơn Hàng đục máy

Bằng mắt thường bạn có thể dễ dàng nhận ra các đường nét chạm trổ trên 2 bộ bàn ghế trên rất khác nhau phải không?

Đây là hình ảnh so sánh 2 chiếc ghế đơn của Mẫu bàn ghế Hoàng Gia với sự khác biệt có thể nhìn thấy rất rõ ràng:

So sánh ghế Hoàng Gia VIP và hàng chợ giá rẻ
So sánh ghế Hoàng Gia VIP và hàng chợ giá rẻ

Chiếc ghế VIP bên phải có dáng ghế và nước sơn đẹp hơn hẳn, điều này thể hiện rằng tay nghề thợ mộc và thợ phun sơn PU khi làm hàng VIP ở đẳng cấp cao hơn.

Sự khác biệt còn được thể hiện ở đường nét đục tỉa. Chiếc ghế vip được đục đẹp, đường nét tỉ mỉ, sắc nét hơn rất nhiều so với chiếc ghế hàng chợ. Nhìn kỹ vào từng chi tiết, bạn có thể dễ dàng thấy độ sâu, độ kênh bong trên chiếc ghế Hoàng Gia VIP trông sống động như thật, còn chiếc ghế hàng chợ trông rất mờ nhạt.

Để có được những họa tiết sắc nét như vậy đòi hỏi sản phẩm phải được đục tỉa bằng tay và người thợ cũng phải có kinh nghiệm lâu năm mới làm được. Nếu có cơ hội "sờ tận tay" 2 sản phẩm này cùng lúc thì chắc chắn bạn sẽ phải trầm trồ trước những đường nét người nghệ nhân đã tạo ra.

Mẫu ghế đỉnh rồng đục tay
Sản phẩm đục tay thể hiện giá trị độc đáo, tác phẩm nghệ thuật do bàn tay con người tạo ra

Để có được những đường nét sâu hút mắt như vậy thì tay nghề của những người nghệ nhân thôi chưa đủ, nó còn đòi hỏi phải có những khối gỗ nguyên liệu đủ dày nữa. Ví dụ nếu muốn đục tứ linh sâu 2cm trên vách tựa lưng thì gỗ nguyên liệu phải dày trên 4cm, thậm chí 5cm. Bởi vì sau khi đục tỉa xong còn phải cạo nạo, trà lu, đánh giấy ráp,... gỗ sẽ bị hao hụt bớt nên tấm gỗ nguyên liệu phải đủ dày để sau khi hoàn thiện hàng vẫn đảm bảo chắc chắn.

Và đôi khi, người thợ đục chỉ cần mất tập trung đục sai một chi tiết nào đó thì gần như phải bỏ cả khối gỗ đi, không thể khắc phục được.

Hàng chợ thường không đục kênh bong nên có thể đục bằng máy và đục không sâu nên chỉ cần tấm gỗ nguyên liệu mỏng hơn, tiết kiệm được tiền gỗ và cả tiền hoàn thiện hàng luôn.

Mặc dù tốc độ của máy cũng nhanh hơn hàng chục lần so với tay người và gần như không thể có sai lầm như kiểu "mất tập trung" nhưng nhược điểm cũng rất rõ ràng. Bạn có thể thấy các đường nét trông rất thô và không có "hồn" như hàng vip đục tay.

Hàng đục 2 mặt đắt hơn đục 1 mặt

Điều này không chỉ yêu cầu gỗ phải dày hơn mà còn tốn công đục và công hoàn thiện hàng. Nói chung đường nét đục tỉa càng nhiều thì thời gian và công thợ càng tốn.

So sánh bàn ghế Hoàng Gia đục 2 mặt và đục 1 mặt
Càng đục tỉa nhiều thì càng tốn gỗ và công thợ, thời gian hoàn thiện càng lâu

Ảnh bộ bàn ghế Hoàng Gia ở trên chỉ đục 1 mặt, mặt sau để trơn thì tấm gỗ dùng làm vách tựa lưng chỉ cần dày từ 1.5 đến 2cm là đủ. Mặt trước đục vách trám sâu 0.5cm thì tấm gỗ còn lại dày 1-1.5cm vẫn đảm bảo chất lượng chấp nhận được.

Nhưng bộ ghế ở dưới đục 2 mặt, mặt trước đục hạ nền sâu 1cm và mặt sau đục 0.5cm nữa, tổng là sâu 1.5cm phần đục. Vậy nên để vách tựa lưng đảm bảo được chắc chắn thì thì tấm gỗ nguyên liệu phải dày ít nhất 2.5cm đến 3cm.

Về mặt công thợ, nếu để trơn thì có thể dùng máy trà nhám đánh rất nhanh là bề mặt sẽ mịn nhưng đục tỉa như kia thì phải tay người cạo nạo, đánh giấy ráp từng chi tiết nhỏ. Ngoài ra, phun sơn trên bề mặt phẳng dễ đều màu hơn nhiều, nhưng phun trên các bề mặt đục tỉa cần kỹ thuật cao hơn mới đạt được màu đều như mong muốn.

Hàng đục càng sâu giá càng cao

Độ sâu nông khi đục tỉa cũng liên quan mật thiết đến độ dày mỏng của tấm gỗ.

So sánh hàng đục sâu và hàng đục nông
Nét đục càng sâu thì càng tốn gỗ và công hoàn thiện

Tương tự như đục 2 mặt, để đục được sâu đòi hỏi tấm gỗ phải dày. Sau khi đục hạ nền xuống thì phần gỗ còn lại vẫn phải đủ độ dày để đảm bảo nó không bị vỡ, nứt. Do đó nếu muốn tạo ra đường nét đục sâu thì chắc chắn tấm gỗ yêu cầu phải dày hơn so với đục nông. Đường nét càng tiểu tiết, càng sâu và chi tiết thì công sức làm đẹp sản phẩm càng tốn hơn.

Hàng liền khối giá cao hơn chắp ghép

Dưới đây là hình ảnh phần tay cột của mẫu bàn ghế Tần Thủy Hoàng, bạn nhìn sẽ thấy sự khác nhau rõ ràng giữa hàng tay cột liền khối và hàng tay cột ghép.

So sánh phần tay liền khối và tay chắp ghép trên mẫu ghế Tần Thủy Hoàng
Tay liền yêu cầu gỗ khổ to hơn (kích thước của khúc gỗ được mô phỏng bằng khung màu vàng)

Phần tay cột của mẫu ghế này uốn cong về phía sau nên nếu làm liền khối đòi hỏi khúc gỗ phải to hơn rất nhiều, sau đó cắt bỏ phần xung quanh, tiện tròn và tạo hình thành dáng tay ghế cong điệu đà như ảnh. Nếu làm hàng tay cột ghép thì các xưởng có thể tận dụng được các đoạn gỗ thừa, gỗ nhỏ.

Trên 1 bộ bàn ghế 6 món (1 chiếc đoản, 2 chiếc ghế đơn) tổng cộng sẽ có 6 cái tay cột như vậy, chỉ tính riêng tiền gỗ đã đắt hơn rất nhiều. Đó là còn chưa kể đến các chi tiết khác.

Việc dùng những tấm gỗ nguyên khối tạo hình sẽ làm cho giá của sản phẩm bị tăng rất cao. Tuy nhiên khi làm nguyên khối như vậy thì vân gỗ sẽ đều, cả sản phẩm trở thành một khối hài hòa, khẳng định đẳng cấp của người sở hữu.

Trái lại, với những sản phẩm sử dụng những tấm gỗ ghép thì vết ghép sẽ nhìn thấy rất rõ ràng, phần vân gỗ ở chỗ ghép sẽ bị đứt đoạn, không liền mạch. Với những người kỹ tính thì điều này khó có thể chấp nhận.

Vì giá của những tấm gỗ lớn đủ để làm những chiếc ghế nguyên khối cao hơn rất nhiều giá những mảnh gỗ nhỏ cho nên giá của sản phẩm cũng vì vậy mà chênh lệch rất lớn.

Loại gỗ: Giống tên gọi nhưng khác nguồn gốc

Các bạn ăn trái cây sẽ thấy cùng loại quả đó nhưng trồng trên đất khác nhau thì chất lượng cũng khác nhau đúng không? Gỗ cũng như vậy. Đó là lý do cùng một loại gỗ nhưng sinh trưởng trên các cùng đất khác nhau thì chất lượng của gỗ cũng có sự khác biệt. Tất nhiên giá bán sẽ khác nhau.

Dưới đây tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 điều mà ít người bán hàng nào nói với bạn.

  1. Cùng tên gọi là gỗ gõ đỏ nhưng thực tế có nhiều loại với chất lượng khác nhau. Đang thịnh hành nhất là gỗ gõ đỏ Lào, gõ đỏ Nam Phi, gõ đỏ Nam Mỹ. Trong các loại gỗ gõ đỏ kể trên thì gõ đỏ Lào là loại giá trị nhất. Giá sản phẩm của gỗ này cũng cao hơn nhiều.
  2. Cùng một cây gỗ xẻ ra nhưng giá cũng khác nhau vì chất lượng gỗ ở thân sẽ khác với ở cành; chất lượng ở gần gốc sẽ tốt hơn gần ngọn. Những điều đơn giản để bạn có thể so sánh nó là như vậy. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất sẽ còn nhiều yếu tố nữa; như vân gỗ, giác gỗ, tâm gỗ hay những điểm mắt gỗ.
  3. Giá gỗ cũng biến động như giá vàng. Nhiều khi mua đầu năm 1 giá, sau vài tháng giá đã khác và nhất là khi đang khan hiếm mà muốn mua thì phải chấp nhận một mức giá "trên trời".

Bởi vậy, hàng đẹp hàng vip thì ai mà chẳng thích, nhưng chịu được giá hay không lại phụ thuộc vào "đẳng cấp" của gia chủ. Các bác đã chơi đồ gỗ mỹ nghệ thì nên dành chút thời gian tìm hiểu để biết được giá trị của nó và đánh giá đúng về sản phẩm cũng như công sức của người thợ.

Vân gỗ đẹp giá trị hơn

Như các bạn cũng biết, gỗ tự nhiên thì không cây nào giống cây nào nên đường vân thớ gỗ cũng sẽ khác nhau. Trong quá trình cây sinh trưởng không thể tránh khỏi những khuyết tật khi bị sâu bệnh, nứt nẻ, nấm mốc,... đều sẽ để lại "dấu vết" trên gỗ sau khi xẻ ra mới nhìn thấy. Bởi vậy việc lựa chọn được gỗ đẹp, lục lõi không tâm, không dác để làm hàng thì sẽ giá trị hơn nhiều so với những cây gỗ xấu.

Đặc biệt với ai thích chơi vân gỗ, họ sẵn sàng trả tiền cao hơn so với bình thường để được sở hữu những sản phẩm hiếm lạ, độc nhất. Đó chẳng phải là thể hiện đẳng cấp hay sao?

Bàn ăn nguyên khối gỗ hương đá siêu vân
Một bộ bàn ăn nguyên khối gỗ hương đá hàng siêu vân của Xưởng gỗ An Lạc

Để kiếm được cây gỗ ít khuyết điểm, vân gỗ đẹp và đều màu không phải dễ, nhiều khi cũng phải gặp may mắn thì mới sở hữu được các bác ạ. Nên ngay từ gỗ nguyên liệu đầu vào xưởng cũng phải mua với giá cao hơn bình thường. Đó là lý do những bộ bàn ghế bàn ghế có vân đẹp giá bán cũng cao hơn so với những bộ thông thường.

Tóm lại

Một bộ bàn ghế gỗ đẹp, có giá cao yêu cầu người nghệ nhân phải lựa chọn gỗ thật kỹ càng; sẵn sàng bỏ đi những phần gỗ không đẹp. Họ chỉ chọn những phần gỗ có vân đẹp mắt; không tâm, không rác, không mắt để chế tác.

Nói có thể nhiều bác không tin, có những bộ bàn ghế "khủng" thuộc về loại "hiếm lạ" thì không thể trong 1-2 tháng hoàn thành được mà có khi cần vài năm tích lũy đủ gỗ mới tiến hành chế tác. Bắt đầu từ lúc chế tác đến khi thành phẩm có khi mất cả năm trời. Nên những siêu phẩm như vậy bán tiền tỷ cũng không hề khoa trương.

Tổng kết lại, Xưởng Gỗ An Lạc đã trình bày chi tiết với bạn cách phân biệt 2 loại sản phẩm cùng chất gỗ, cùng kiểu dáng kích thước nhưng có giá khác nhau. Nếu bạn có nhu cầu mua bàn ghế phòng khách thì nên đọc qua bài: Tiêu chí đánh giá 1 bộ bàn ghế phòng khách bằng gỗ. Kết hợp 2 bài viết này bạn sẽ có thể có được lựa chọn được bộ bàn ghế phù hợp cho phòng khách nhà mình.

6 thoughts on “Cùng mẫu bàn ghế, cùng loại gỗ và kích thước sao giá bán khác nhau?

  1. Đỗ Mạnh Hùng says:

    Mình cũng đang tìm hiểu về đồ gỗ để mua bộ bàn ghế tặng cho bố mẹ ở quê. Cám ơn bài viết của bạn rất nhiều vì đã khai sáng cho mình rất nhiều kiến thức mới.

  2. Hải Nam says:

    Một người mua hàng bình thường như mình có đến tận xưởng xem mộc cũng chẳng biết đấy là gỗ gì đâu, chủ xưởng nói sao thì nghe vậy thôi nên rất cần một cơ sở có tâm, có uy tín thì đặt làm hàng mới yên tâm được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *