Các phương pháp sấy gỗ hiện nay

Câu hỏi đặt ra đầu tiên là “Tại sao phải sấy gỗ?” Vai trò của công đoạn này là gì? Liệu có thể bỏ qua bước sấy gỗ này không? Cùng xem câu trả lời ngay sau đây nhé:

Mục lục nội dung ẩn
2 Phương pháp sấy gỗ hiện nay

Tại sao phải sấy gỗ?

Thứ nhất, gỗ sau khi được sấy sẽ có kích thước ổn định dễ gia công hơn:

  • Gỗ ở trạng thái tự nhiên chứa một lượng nước lớn bên trong những thớ gỗ, nếu không được sấy sẽ không duy trì được kích thước chuẩn của nó, gây ảnh hưởng đến vấn đề gia công. (nước trong gỗ mất đi sẽ khiến cho kích thước gỗ hụt đi so với ban đầu)

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng cũng như tuổi thọ sản phẩm nội thất gỗ:

  • Gỗ đã qua sấy sẽ được cải thiện nhiều về mặt tính chất, gỗ sẽ tốt hơn, gỗ sấy sẽ không bị sâu mục một cách dễ dàng. Bên cạnh đó tạo thuận tiện hơn trong việc đánh nhẵn và hoàn thiện sản phẩm. Chất lượng sau khi gia công được đảm bảo, chất lượng thành phẩm cũng tốt hơn. Từ đó kéo dài được tuổi thọ và cải thiện được hiệu quả sử dụng sản phẩm.

Thứ ba, giảm được trọng lượng của gỗ và giảm được chi phí vận chuyển:

  • Nước trong gỗ tươi là tương đối lớn, sau quá trình sấy tiêu chuẩn; lượng nước mất đi là khá nhiều làm giảm đáng kể được trọng lượng của tấm gỗ. Thành phẩm sau khi được hoàn thành cũng sẽ có trọng lượng nhỏ hơn, thuận lợi cho quá trình vận chuyển sản phẩm.

Thứ tư, giảm thiểu tối đa xác suất bị nứt nẻ cong vênh, nấm mốc ở sản phẩm đồ gỗ:

  • Các sản phẩm làm từ “gỗ tươi” chưa sấy, sau một thời gian sử dụng lượng nước trong gỗ bay hơi còn dẫn đến hiện tượng cong vênh, nứt nẻ, nấm mốc ở các thành phẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính thẩm mĩ, giá trị sử dụng của bộ sản phẩm, thậm chí là cả sức khoẻ người sử dụng các sản phẩm loại này.

Tóm lại được vai trò của quá trình sấy gỗ như sau: giúp tăng chất lượng gỗ, tăng độ bền cơ lý, tránh hiện tượng co rút nứt nẻ, giảm trọng lượng gỗ nên giảm chi phí vận chuyển và bảo quản, hạn chế sự phát sinh của nấm và côn trùng phá hoại gỗ, nâng cao tuổi thọ gỗ, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Sấy gỗ là một quá trình không thể bỏ qua”.

Do đó hiện nay trong công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ đã phát triển nhiều phương pháp sấy khác nhau; nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho các sản phẩm làm từ vật liệu này. Trong bài viết này, Xưởng Gỗ An Lạc sẽ giới thiệu đến bạn những phương pháp sấy phổ biến nhất; đã được ứng dụng trong chế biến gỗ hiện nay với mong muốn cung cấp thêm một chút thông tin hữu ích đến các bạn, cùng xem nhé.

Phương pháp sấy gỗ hiện nay

Các phương pháp sấy gỗ hiện nay:

+ Phương pháp 1: Hong phơi tự nhiên

+ Phương pháp 2: Sử dụng lò sấy nhiệt

+ Phương pháp 3: Sử dụng lò sấy lạnh

Cụ thể:

Phương pháp 1: Sấy gỗ tự nhiên bằng hình thức hong phơi: Sử dụng nhiệt lượng của ánh nằng mặt trời để sấy, là một phương pháp sấy cổ truyền đã được ứng dụng từ lâu.

Nguyên lý: Dùng nguồn năng lượng nhiệt mặt trời làm bay hơi nước trong gỗ, có thể sấy đến độ ẩm 15%-20% tùy vào điều kiện thời tiết.

Áp dụng: với các dòng gỗ cứng; chất gỗ đanh và lượng nước trong cây ít như: gỗ gõ đỏ; gỗ căm xe; gỗ lim; gỗ giáng hương…. Hoặc áp dụng làm quá trình tiền sấy – sấy trước, loại bỏ một phần nước bên trong gỗ sau đó chuyển qua dùng những loại phương pháp sấy khác để được gỗ có độ ẩm thấp hơn.

Ưu điểm của phương pháp hong phơi gỗ: 

- Không yêu cầu đầu tư ban đầu với chi phí cao.

- Năng lượng tự nhiên không mất phí.

- Quá trình hong phơi gỗ có thể đưa độ ẩm của gỗ tươi xuống độ ẩm xấp xỉ bằng độ ẩm bão hòa của thớ gỗ (25-30%) tiết kiệm đáng kể năng lượng cho quá trình sấy gỗ tiếp theo.

Nhược điểm của phương pháp hong phơi gỗ:

- Yêu cầu diện tích rộng để hong phơi, quá trình phơi sấy chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết.

- Quá trình thoát ẩm chậm, thời gian sấy dài (vài tháng), khó đưa gỗ về độ ẩm sử dụng sản xuất đồ mộc.

- Không thể điều chỉnh được nhiệt độ sấy có thể gây cong vênh, nứt vỡ không mong muốn.

Phương pháp 2: Sử dụng lò sấy, phòng sấy nhiệt: Hiện nay vẫn đang dùng phổ biến hai loại lò sấy: đó là lò sấy dùng nhiệt trực tiếp từ nhiên liệu, lò sấy dùng hơi nước (nhiệt gián tiếp) và đang phát triển mạnh loại lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời.

Áp dụng: Những dòng gỗ có tỷ lệ xơ cao; lượng nước trong cây nhiều cần phải sấy. Thường thấy ở các dòng gỗ mềm như: gỗ sồi; tần bì; cao su; tràm bông vàng, gỗ óc chó, gỗ xoan đào… Khi sấy thì lượng nước bốc hơi cao, giúp gỗ có độ ẩm phù hợp. Điều này tạo tính ổn định cho gỗ khi đóng nội thất; chống lại hiện tượng co ngót khi gặp thời tiết nắng nóng. Nhìn chung lò sấy nhiệt có những ưu nhược điểm cơ bản như sau:

Ưu điểm chung phương pháp lò sấy nhiệt:

- Không yêu cầu diện tích quá rộng, quá trình phơi sấy ít chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết.

- Thời gian sấy được rút ngắn, điều chỉnh và kiểm soát được độ ẩm của gỗ sử dụng sản xuất đồ mộc.

- Điều chỉnh được nhiệt độ sấy, hạn chế được cong vênh, nứt vỡ không mong muốn trong quá trình sấy.

- Mối mọt, sâu bị tiêu diệt trong quá trình sấy. Độ ổn định của gỗ cao hơn khi hong khô.

- Sản lượng của lò sấy gỗ mang tính ổn định, chất lượng tốt.

Nhược điểm chung phương pháp lò sấy nhiệt:

- Yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cho việc thi công lò sấy.

- Phát sinh chi phí cho năng lượng sử dụng trong quá trình sấy.

********************************************************************************************************************

1. Lò sấy gỗ dùng nhiệt trực tiếp:

Không khí trong lò sấy được làm nóng trực tiếp bằng việc đốt than, củi. Kích thước lò khá là nhỏ, chỉ khoảng 4x6x3,4m mà thôi. Vậy nên mỗi một mẻ sấy chỉ có thể làm khô từ 4 cho đến 18 mét khối gỗ. Muốn vận chuyển gỗ vào, ra khỏi lò, người thợ thủ công dùng đến xe goòng – một loại xe chuyên dụng. Thời gian để hoàn thành 1 mẻ gỗ sấy với loại lò này phải mất từ 72 cho đến 168 tiếng đồng hồ hoặc dài hơn. Gỗ sau sấy vẫn dễ bị cong, vênh.

Ưu điểm:

- Kích thước lò nhỏ hẹp nên không yêu cầu phải có diện tích lớn đế đặt, phù hợp với nhiều nhà xưởng khác nhau ở Việt Nam hiện nay.

- Vốn ban đầu không quá lớn khi mới đầu tư. Bạn có thể dùng chi phí này vào công việc khác.

- Thời gian sấy nhanh hơn so với hong phơi, có thể sấy khô từ bên trong, gỗ giữ được hình dáng nguyên vẹn, không bị cong vênh hoặc nứt ở phần đầu gỗ.

Nhược điểm

- Lượng gỗ được sấy trong một mẻ tương đối ít phù hợp các xưởng bé. Còn đối với các xưởng to vẫn nên đầu tư máy sấy công nghiệp hiện đại hơn.

- Gây ô nhiễm môi trường khi sấy bằng củi hoặc than. Khói độc sẽ thải trực tiếp ra môi trường và bạn không kiểm soát được.

- Nguy hiểm nếu sơ xảy không chú ý có thể gây ra cháy nổ, không an toàn đối với người sử dụng.

2. Lò sấy sử dụng hơi nước (truyền nhiệt gián tiếp từ nhiên liệu):

Nguyên lý (lò sấy nhiệt gián tiếp):

Lò sấy được cung cấp nhiệt bởi hơi nước bão hoà, hơi nước bão hoà thông qua bộ phận trao đổi nhiệt làm nhiệt độ trong phòng/buồng sấy tăng lên. Bên cạnh đó, lò sấy bằng hơi nước này còn được trang bị thêm hệ thống quạt giúp không khí trong lò được lưu thông làm tăng hiệu suất quá trình truyền nhiệt. Bộ phận sàn lò sấy được làm bằng bê tông, tường và cửa lò được làm bằng vật liệu chịu nhiệt giúp cho nhiệt trong lò không bị thất thoát ra bên ngoài.


Ưu điểm lò sấy gỗ bằng hơi nước:

- Sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với chất đốt và khói nóng do đó không ảnh hưởng đến chất lượng gỗ sau khi sấy, hạn chế được rủi ro cháy trong quá trình sấy.

- Hơi nước là môi chất dẫn nhiệt bên trong nên dễ điều chỉnh các thông số về lưu lượng, áp suất, nhiệt độ bên trong dẫn đến việc điều khiển và đo lường toàn bộ hệ thống sấy trở nên dễ dàng hơn.

- Buồng sấy tách biệt với lò đốt cho phép điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với các loại gỗ có hình dạng và kích thước khác nhau, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí năng lượng.

- Hiệu suất sấy cao lên đến 98%. Gỗ được sấy từ trong lõi nên không có hiện tượng nứt âm, độ ẩm gỗ sau khi sấy có thể đạt từ 8-10%. Chất lượng gỗ sau sấy được đánh giá tốt.

Nhược điểm lò sấy gỗ bằng hơi nước:

- Mất thêm chi phí đầu tư lò hơi, chi phí cung cấp nước và các biện pháp xử lý nước cho lò hơi.

- Là quá trình truyền nhiệt gián tiếp từ khói sang nguyên liệu gỗ trong hầm sấy (tức là nhiệt lượng của khói trong buồng đốt của lò hơi sẽ gia nhiệt cho nước sản sinh ra hơi nước, sau đó lại sử dụng nhiệt của hơi nước để gia nhiệt cho không khí để sấy nguyên liệu). Cho nên hiệu suất trao đổi nhiệt cả quá trình từ nhiên liệu đốt lò đến lúc kết thúc quy trình sấy là thấp.

Nhiên liệu sử dụng cho đốt lò hơi có thể dùng: than, củi, điện… tuỳ vào dạng nhiên liệu mà nồi hơi phải có dạng thiết kế khác nhau:

- Nếu nhiên liệu đốt nóng hơi nước dùng trong quá trình sấy là than, củi,… thì rất dễ kiếm và rẻ tiền. Tuy nhiên loại vật liệu này lại gây ô nhiễm môi trường rất khó kiểm soát.

- Nếu sử dụng lò sấy hơi nước tự động dùng nhiên liệu điện sẽ tồn chi phí đầu tư ban đầu hơi cao một chút nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được thêm chí phí sản xuất, như giảm được nhân công vận hành lò, tiết kiệm nhiên liệu so với lò sấy hơi nước đốt nóng bằng than.

3. Lò sấy gỗ dùng năng lượng mặt trời

Lò sấy gỗ chạy bằng năng lượng mặt trời với nhiều tính năng ưu việt:

- Không gây ô nhiễm môi trường

- Tiết kiệm năng lượng (điện năng và nhiên liệu lên đến trên 60%)

- Giảm đến 50% chi phí sấy gỗ

- Chất lượng sấy rất đảm bảo

- Cải thiện đáng kể điều kiện lao động trong việc sấy gỗ

- Điều tiết quá trình sấy ổn định và dễ dàng

Hiện nay trên thị trường có 4 loại lò sấy năng lượng mặt trời bao gồm:

- Lò sấy nhà kính: Phần mái và tường của lò sấy đều được làm bằng vật liệu kính trong suốt giúp hấp thụ nhiệt và làm khô gỗ.

- Lò sấy nửa nhà kính: Chỉ một phần mái và tường của lò sấy được làm bằng vật liệu kính trong suốt. Các bộ phận còn lại và sàn được làm bằng vật liệu cách nhiệt, giảm tối đa sự thất thoát nhiệt.

- Lò sấy có bộ phận thu năng lượng nhiệt ở bên ngoài: Hệ thống gồm bộ phận thu năng lượng bên ngoài qua các đường ống và một lò sấy riêng biệt.

- Lò sấy tách ẩm năng lượng mặt trời: Lò sấy giúp làm giảm độ ẩm của không khí trong lò bằng thiết bị tách ẩm phù hợp. Thiết bị này ngưng tụ nước giúp thu nhiệt và cung cấp nhiệt cho lò sấy.

Vật liệu nhà kính thường là tấm film nhựa, kính, sợi kính, PVC và polythene. Các bộ phận hấp thụ nhiệt hấp thụ năng lượng mặt trời để làm nóng không khí trong buồng sấy thường dùng các vật liệu đen mờ. Khung của lò sấy thường được làm bằng nhôm.

Phương pháp ấy gỗ bằng NLMT chỉ hoạt động trong thời gian có nắng, còn thời gian không nắng thì có thể kết hợp với các giải pháp sấy khác như: Sấy ngưng tụ ẩm (máy bơm nhiệt) và sấy kết hợp hơi nước (nồi hơi - dàn nhiệt), sấy kết hợp với điện trở...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *