Ngành gỗ trước nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ quý tự nhiên

Sự tăng trưởng của ngành gỗ việt nam:

  • Việt Nam hiện đã trở thành công xưởng sản xuất đồ gỗ trên thế giới.
  • Hiện là quốc gia đứng thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 trên giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ.
  • Kim ngạch xuất khẩu đang trên đà mở rộng, đặc biệt tại Mỹ - thị trường cung cấp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ cho Việt Nam năm 2020.
  • Mục tiêu hết 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD và 20 tỷ năm 2025.

Bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu:

Gỗ trong nước:

Các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam mở rộng tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đặc biệt là các loại gỗ quý tự nhiên.

  • Nguyên nhân được cho là do lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ Việt Nam.
  • Nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là nguồn rừng trồng, bao gồm khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 32 triệu m3. Phần lớn (60-70%) là gỗ nhỏ như keo rừng trồng, được đưa vào sản xuất dăm, viên nén và một số loại ván.
  • Phần nguyên liệu còn lại là gỗ lớn, được đưa vào chế biến các mặt hàng đồ gỗ như đồ gỗ văn phòng, phòng ngủ chủ yếu để phục vụ xuất khẩu.
  • Gỗ quý lâu năm (gỗ hương, gỗ cẩm, gỗ gõ, gỗ lim,…) gần như không còn được xuất ra trên thị trường (số ít hiện có trên thị trường do lâm tặc tuồn ra). Cung ứng những loại gỗ này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu.
Gỗ nhập khẩu: (Hiện đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành gỗ)

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ, Việt Nam đang phải nhập khẩu khối lượng lớn nguyên liệu gỗ, khoảng 70-80% nhu cầu nguyên liệu mỗi năm.

  • Cụ thể, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ/năm. Trong đó, khoảng 2-2,5 triệu m3 (chiếm khoảng 40-50% trong tổng lượng gỗ nhập vào Việt Nam) là gỗ rừng tự nhiên (những loại gỗ quý lâu năm). Lượng gỗ này được đưa vào chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Và ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt là Gỗ rừng tự nhiên.
  • Nguồn cung các loài gỗ quý rừng tự nhiên đa dạng với trên dưới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và gần 200 loài được nhập khẩu mỗi năm. Gỗ loại này được đưa vào chế biến và chủ yếu được sử dụng tiêu dùng nội địa. Các sản phẩm phổ biến nhất bao gồm bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ cúng, công trình xây dựng.

Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên từ các nước Châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và PNG. Năm 2020, lượng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia này đạt 2,7 triệu m3, chiếm 41% trong tổng lượng gỗ nhập khẩu từ tất cả các nguồn.

Bảng dưới đây chỉ ra lượng gỗ rừng tự nhiên từ các quốc gia này nhập vào Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2020 và tỷ trọng nhập khẩu.
Năm Lượng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu
(m3 quy tròn)
Tổng lượng gỗ nhập khẩu
(m3 quy tròn)
Tỷ trọng
(%)
2015 2.638.863 4.854.176 54%
2016 2.098.260 4.519.380 46%
2017 2.576.721 5.352.499 48%
2018 2.667.443 5.720.350 47%
2019 2.654.767 5.998.978 44%
2020 2.315.217 5.646.214 41%

Tỷ trọng của gỗ rừng tự nhiên trong tổng lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng giảm. Năm 2015, gỗ rừng tự nhiên chiếm 54% trong tổng lượng nhập khẩu từ tất cả các nguồn. Năm 2020, tỷ trọng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu chỉ còn 41%.

Châu phi, Nam Mỹ, Campuchia, Lào và PNG là các nguồn cung nguyên liệu gỗ quý rừng tự nhiên quan trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, lượng gỗ nhập khẩu từ các nguồn này không ổn định, phản ánh sự thay đổi trong chính sách quản lý tài nguyên rừng của các quốc gia này ngày càng được chú trọng hơn.

  • Nguồn cung ứng nguyên liệu gỗ quý những năm 2015-2017 chủ yếu được nhập từ các nước Đông Nam Á (như Lào, Campuchia,…).

– Nguồn cung gỗ rừng tự nhiên từ Lào trước đây là nguồn cung quan trọng nhất (giai đoạn 2015-2017), với lượng cung khoảng 1 triệu m3/năm vào giai đoạn đỉnh điểm. Tuy nhiên kể từ khi Chính phủ Lào áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến sâu, nguồn cung này chỉ còn không đáng kể, với lượng nhập mỗi năm trên dưới 50.000 m3.

– Campuchia là nguồn cung quan trọng giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên, nguồn cung này không ổn định, xu hướng giảm mạnh và vô cùng rủi ro về mặt pháp lý. Lượng nhập chỉ còn 1.490 m3 năm 2020, tương đương 1% của lượng nhập năm 2017 (163.000 m3).

– Ngày 01/01/2019: Bộ trưởng Bộ Công thương lại ban hành Thông tư 44/2018/TT-BCT quy định về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.

Nguồn gỗ quý loại 1 từ nguồn cung trong nước và Lào, Campuchia bị hạn chế dần dẫn đến hậu quả thiếu một nguồn gỗ lớn để cung cấp cho thị trường sản xuất đồ gỗ tiêu dùng và đồ gỗ xuất khẩu đang phát triển rất mạnh của Việt Nam.

  • Giai đoạn hiện nay, cơ cấu gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu chuyển dần sang nguồn cung Châu Phi với 13% (năm 2015) đã tăng lên gấp đôi lên đến 26% (2019) trên tổng lượng gỗ nhập khẩu của Việt Nam.

– Bình quân mỗi năm có khoảng trên dưới 20 quốc gia từ Châu Phi cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, trong đó có khoảng 7-8 quốc gia có lượng cung mỗi năm từ 10.000 m3 trở lên. Các quốc gia có lượng cung lớn nhất bao gồm Cameroon (495.526 m3/năm), Nigeria (82.923 m3/năm), Congo (55.025 m3/năm), Angola (53.171 m3/năm), Nam Phi (49.259 m3/năm) và Ghana (44.557 m3/năm) và một vài quốc gia khác.

– Số lượng các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam đa dạng: khoảng 145 loài gỗ tròn và 110 loài gỗ xẻ từ Châu Phi. Tuy nhiên, có khoảng 5-7 loài được nhập với số lượng lớn, điển hình Tali/okan (lim), doussie (gỗ gõ đỏ), sapelli (xoan đào) và padouk (hương đỏ) (trung bình từ 10.000 m3/năm trở lên).

Khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu gỗ quý rừng tự nhiên:

  • Khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong việc nhập khẩu gỗ đó là nguồn gỗ ổn định, hợp pháp.

- Gỗ quý rừng tự nhiên Việt Nam hiện đang có lệnh cấm khai thác. Các doanh nghiệp chế biến gỗ phải nhập gỗ rừng tự nhiên ở nước ngoài có chứng chỉ hợp lệ, với khối lượng lớn để chế biến.

- Nguồn cung các loài gỗ quý từ Lào, Campuchia sau một thời gian dài khai thác cũng bị giảm mạnh về số lượng. Xét đến vấn đề môi trường và bảo tồn các loại gỗ quý, nguồn cung này cũng dần bị dừng khai thác do lệnh cấm của chính quyền sở tại cũng như sức ép từ phía Châu Âu.

- Sự chuyển dịch sang nguồn gỗ Châu Phi là một bước đi khôn ngoan của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, do hoạt động khai thác và xuất khẩu gỗ của các nước này chưa được quản lý nghiêm túc dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, trái phép. Khiến các khu rừng nhiệt đới tại đây bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, một số nước có tình trạng nghiêm trọng nhất:
  1. BỜ BIỂN NGÀ: Rừng chiếm khoảng 30% diện tích đất của Bờ Biển Ngà. Tài nguyên rừng của nước này chịu ảnh hưởng nặng nề do khai thác gỗ trong vòng 50 năm qua. Chỉ còn 2% diện tích rừng là rừng nguyên sinh.
  2. GABON: 85% diện tích đất của quốc gia này được bao phủ bởi các khu rừng. Diện tích rừng nguyên sinh đã giảm và ước tính hiện nay chỉ chiếm hơn một nửa diện tích rừng.
  3. GHANA: Rừng chiếm khoảng 1/5 diện tích đất của Ghana. Ghana có một tỷ lệ mất rừng cao (hơn 2%) trong hai thập kỷ qua. Ước tính về độ cân bằng gỗ cho thấy, lượng gỗ tiêu thụ vượt quá mức khai thác bền vững.
  4. MOZAMBIQUE: Nước này là một trong các quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất của Châu Phi. Khoảng 50% diện tích đất của nước này là rừng. Quốc gia này không còn rừng nguyên sinh.
  5. NIGERIA: Gần 10% diện tích đất của quốc gia này được rừng bao phủ. Chỉ còn lại 20.000 ha rừng nguyên sinh. Quốc gia này có tỷ lệ phá rừng cao; trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2015, tỷ lệ này hàng năm là 5%.
Hiện nay, các nước này đang đẩy mạnh cải cách trong quản lý và điều hành nhằm hạn chế tình trạng mất lượng lớn gỗ quý ở rừng nguyên sinh.

Điển hình, chính phủ Gabon đã ra quyết định cấm xuất khẩu gỗ tươi từ năm 2010. Đến năm 2015, 4 quốc gia còn lại cũng tuyên bố dừng khai thác để khắc phục tình trạng này. Chính vì vậy, trong tương lai không xa nguồn cung này có khả năng cao sẽ không còn.

Tựu chung lại, ta có thể thấy được ngành gỗ Việt Nam sắp tới sẽ tiếp tục phải đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ quý tự nhiên phục vụ chế biến. Giải pháp mới sẽ phải được đưa ra, nguồn cung mới cũng phải được tìm kiếm.

Đối với bản thân người tiêu dùng, đây cũng có khả năng là cơ hội để đầu tư. Các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ quý hiện nay có giá khá mềm. Lời khuyên dành cho khách hàng của Xưởng Gỗ An Lạc, hãy sáng suốt coi những món hàng đồ gỗ chất lượng cao ở thời điểm hiện tại là món hàng tích luỹ hiệu quả. Một điều chắc chắn, giá trị của chúng không những không giảm mà còn tăng trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *