Sau một thời gian sử dụng, những sản phẩm nội thất bằng gỗ có thể bị nứt gây mất thẩm mỹ không gian. Thậm chí nếu vết nứt quá lớn, chúng còn làm giảm giá trị công năng của sản phẩm. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và cách xử lý ra sao. Nếu bạn quan tâm tới vấn đề này hãy tham khảo thông tin ở bài viết dưới đây của Xưởng Gỗ An Lạc để hiểu hơn về đồ gỗ tự nhiên nhé.
Nguyên nhân đồ nội thất gỗ tự nhiên thường bị nứt nẻ, cong vênh
Bạn vẫn thường thấy nhiều sản phẩm nội thất đồ gỗ sau một thời gian sử dụng thường có những vết nứt trên bề mặt đúng không nào? Đây được coi là một hiện tượng bình thường của những nội thất làm từ chất liệu này. Lý do có những vết rạn nứt có thể bởi một số nguyên nhân sau:
1. Do đặc tính co ngót không đều của gỗ tự nhiên
Khi cây còn sống thì trong thân cây có chứa nước; khi đã xẻ thành gỗ hay cây bị chặt hạ thì lượng nước sẽ mất dần. Khi bị mất nước thì gỗ có hiện tượng co lại giảm thể tích. Từng thớ gỗ chứa lượng nước và độ vững chắc khác nhau; dẫn đến sự co rút khác nhau và kết quả là có các vết nứt và gỗ bị cong vênh.
Nói một cách khác, nguyên nhân gỗ bị nứt và cong vênh là do mất nước, co ngót không đều. Đặc biệt với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của Việt Nam, những ngày hè sắp tới, nắng nóng có thể lên tới hơn 40 độ, độ ẩm dưới 50%; các sản phẩm gỗ (nhất là ở ngoài trời) dễ xảy ra hiện tượng nứt hay cong vênh.
Những loại gỗ tốt có thớ gỗ mịn, mật độ gỗ sẽ hạn chế được bị cong vênh hay nứt nẻ. Lý do là thớ gỗ mịn, mật độ gỗ dày, tom gỗ nhỏ, lượng nước chứa bên trong ít hơn, nên khả năng nước bay hơi chậm.
Trong khi những loại gỗ có phẩm chất kém hơn, thớ gỗ to, gỗ mềm và xốp, thì rất dễ nứt nẻ cong vênh bởi vì khả năng liên kết kém sau khi gỗ bị mất nước.
2. Lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất
Người thợ chưa làm chuẩn quy trình khi thiết kế thi công đồ gỗ, đặc biệt ở công đoạn sấy. Gỗ tự nhiên không được sấy tẩm kỹ, gỗ chưa khô (độ ẩm >18%) sẽ khiến cho lượng nước trong gỗ vẫn còn. Khi thời tiết hành khô, độ ẩm trong không khí giảm, gỗ tự nhiên sẽ bị mất nước dẫn đến tình trạng nứt nẻ.
3. Lỗi chủ quan khi sử dụng sản phẩm đồ gỗ nội thất
Mặc dù gỗ đã qua tẩm sấy kĩ lưỡng tuy nhiên đối với loại gỗ nguyên khối có kích thước lớn và dày thì việc sấy đảm bảo tiêu chuẩn là không cao. Bên cạnh đó gỗ còn có khả năng hút ẩm cao khi thời tiết ẩm thấp, vì vậy khi gỗ tiếp xúc nhiều dưới ánh nắng mặt trời hay điều kiện thời tiết hanh khô… các sản phẩm nội thất bằng gỗ không tránh khỏi tình trạng nứt nẻ, co ngót. Cụ thể:
- Bị thấm nước:
Trong sinh hoạt hàng ngày, việc làm dây rớt nước lên bề mặt đồ gỗ nội thất lại không xử lý kịp thời có thể gây ra hiện tượng ẩm mốc trên bề mặt đồ gỗ nội thất. Hoặc khi vệ sinh đồ gỗ bằng nước thường xuyên sẽ khiến cho bề mặt gỗ hút ẩm sau đó gặp nhiệt độ cao hoặc thời tiết khô nóng sẽ dần bị rạn nứt hoặc cong vênh.
- Tiếp xúc ánh nắng mặt trời:
Khi để các sản phẩm từ gỗ tiếp xúc nhiều dưới ánh nắng mặt trời hay những vật có nhiệt độ cao, điều này sẽ khiến cho gỗ bị giãn nở dẫn đến hiện tượng rạn nứt. Do vậy, khi sắp xếp vị trí cho những sản phẩm này, bạn cần chú ý không đặt ở nơi có ánh nắng trực tiếp.
- Tác động cơ học:
Trong quá trình vận chuyển, xê dịch nội thất gỗ xảy ra va chạm tạo các vết nứt hoặc vết xước, vết xước cũng có thể tạo ra khi những vật sắc nhọn cào lên bề mặt đồ gỗ… điều này làm hỏng lớp bảo vệ được nhà sản xuất phủ lên trong quá trình sản xuất, lâu ngày cũng khiến cho đồ gỗ bị rạn nứt.
Cách khắc phục khi đồ gỗ bị nứt nẻ
Trước tiên để hạn chế tối đa những vết nứt nẻ không mong muốn, bạn hãy chọn nhà sản xuất có uy tín, sản xuất gỗ theo đúng quy trình kỹ thuật sẽ giúp khắc phục những mặt hạn chế của đồ gỗ và cho ra đời những sản phẩm bằng gỗ chất lượng.
Trong trường hợp món đồ gỗ nhà bạn sử dụng đã có hiện tượng nứt rạn, có thể tham khảo một vài mẹo xử lý sau đây:
1. Đối với những vết nứt nhỏ
Khi món đồ gỗ chỉ bị những vết nứt nhỏ, bạn nghĩ nó không có ảnh hưởng gì lớn. Tuy nhiên, nếu để lâu từ đường nứt nhỏ ấy vết nứt có thể sẽ càng ngày càng dài và lớn hơn, thậm chí không khí ẩm hay nước rây vào sẽ thấm qua vết nứt đó gây nấm mốc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ bền của sản phẩm của chúng ta. Chính vì thế, dù chỉ là một vết gợn rất nhỏ đi nữa, cũng nên xử lý nhanh tránh để “đêm dài lắm mộng” nhé các bạn.
Một số cách xử lý đơn giản với vết nứt nhỏ các bạn có thể thực hành luôn:
Xử lý bằng cồn I-ốt
Với những vết xước hay nứt rất nhỏ. Bạn có thể sử dụng cồn I-ốt tra lên vết nứt. Sau đó để khô vài ngày và chà sát lại bằng vải xô mềm.
Sử dụng sáp ong (Sáp ong cũng là một trong những nguyên liệu khá dễ kiếm)
Với những vết nứt nhỏ, ngắn bạn có thể sử dụng sáp ong. Đun chảy sáp ong, chờ nguội một chút rồi khéo léo đổ vào khe nứt của món đồ gỗ cần sửa chữa. Sau đó, bạn đánh vecni lên vị trí vừa xử lý là được.
Sử dụng keo 502 + nhám mịn 320 (các cửa hàng vật liệu đều có bán)
Với những vết nứt rạn hẹp, dài hơn ta có thể dùng keo 502 để xử lý. Tra keo 502 vào những chỗ nứt, đồng thời sử dụng giấy nhám mịn chà nhẹ vào quanh chỗ nứt cho mùn gỗ vừa chà troán vào vết nứt kết hợp với keo 502 tạo thành một thể thống nhất với món đồ gỗ (có thể làm vài lần đối mới 1 vết nứt cho đảm bảo keo đã dính đều vào mùn gỗ vừa chà ra). Sau cùng lạu sạch mù gỗ và quét lại vecni cho cùng màu với toàn bộ sản phẩm.
Cách này tương đối phổ biến, lại dễ thực hiện. Tuy nhiên phải hết sức lưu ý với keo 502, bởi loại keo này có độ dịnh rất cao lại mau khô nên sẽ rất nguy hiểm nếu để rây vào mắt, mũi miệng các bạn nhé.
2. Đối với những vết nứt lớn
Trong trường hợp tấm gỗ có vết nứt lớn, việc xử lý sẽ phức tạp hơn so với những vết nứt nhỏ. Bạn sẽ không thể dùng sáp ong, hay keo 502 lấp đầy hết những vết ấy. Thay vào đó bạn hãy dùng keo A-B trộn mùn cưa hoặc dùng keo giấy.
Dùng bột mùn cưa mịn + keo A-B
Dùng mùn cưa mịn với keo A-B để xử lý gỗ bị nứt cũng được những người thợ gỗ chuyên nghiệp hay sử dụng. Cách này cũng tương đối đơn giản qua các bước ngắn gọn như sau:
Bước 1: Lấy keo lỏng trộn với mùn cưa đã rây nhuyễn. Bạn có thể xin hoặc mua một ít mùn cưa từ những cơ sở sản xuất gỗ
Bước 2: Mua một ít keo A-B (có bán ở của hàng hoặc mua online trên các trang mạng điện tử). Sử dụng: trộn thành phần A và B lại với nhau theo đúng hướng dẫn. Thông thường sẽ theo tỉ lệ là 1:1, nhưng nếu muốn thay đổi bạn cũng có thể điều chỉnh tỉ lệ này.
Bước 3: Trộn mùn cưa với keo, bạn nhớ trộn cho thật đều, thật nhuyễn, rồi đem chưng lên cho nóng. Sau đó nhét vào các vết nứt và miết cho thật bằng mặt. Để keo khô (khoảng 45-60 phút), thời gian keo khô tương đôi dài, bạn nên sắp xếp công việc hợp lý khỏi tốn thời gian.
Bước 4: Dùng giấy nhám mịn 240 hoặc 320 (ra cửa hàng mua hỏi là họ biết), đánh nhẹ cho bằng phẳng so với bề mặt xung quanh. Lưu ý: dùng khăn lau sạch vụn mù cưa trước khi sơn.
Bước 5: Lấy vecni hoặc sơn màu quét lên các chỗ đã được trét kín cho đồng màu. Cũng đừng quên sơn màu làm sao cho hợp lý, hài hòa để vết nứt không bị phát hiện ra.
Dùng keo giấy (bột giấy + phèn chua)
Đối với những vết nứt lớn của những sản phẩm ít tiếp xúc với nước hoặc điều kiện không khí ẩm chúng ta có thể sử dụng keo giấy. Để tạo ra keo giấy ta dùng giấy báo, giấy ăn xé nhỏ rồi trộn với dung dịch phèn chua và nước sạch. Sau đó, đun hỗn hợp này lên cho tới khi chúng thành một dạng keo đặc là được. Đợi keo nguội rồi bạn nhét chúng vào những vết nứt của đồ gỗ. Chờ khô rồi quét lại sơn lên vị trí đó.
Lưu ý:
- Để sản phẩm giữ được độ mới cũng như vẻ đẹp vốn có thì bạn nên chú ý dùng loại sơn PU; hoặc vecni có màu tương đồng với màu sơn cũ của sản phẩm. Có sơn bóng ở công đoạn sau cùng.
- Để sơn và đánh vecni được đều màu, sau khi đánh vecni lần 1 các bạn phải để khô, chà lại bằng giấy nhám mịn và đánh vecni lần 2. có thể làm thêm 2-3 lần công tác trên tại chỗ cần xử lý mới được đều màu với các bộ phận xung quanh.
- Đánh vecni, hay sơn bóng có thể theo 2 phương án đó là dùng máy phun hoặc dùng tay. (sử dụng miếng vải nhúng vecni chà lên bề mặt sản phẩm). Nếu dùng tay phải nhanh và mạnh tay cho nó nóng lên mới đều màu. Trường họp dùng máy phải có tay nghề cao.
- Để đảm bảo thêm cho sản phẩm, các bạn nên quét 1 lớp sơn lót trước khi đánh vecni hay sơn PU màu. Mục đích của lớp sơn này là bảo vệ chất gỗ bên trong; hạn chế việc bong tróc sơn; bề mặt gỗ cũng ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài (nấm mốc, thời tiết, con người).
Tìm đến người thợ chuyên nghiệp để xử lý được tốt hơn
Nếu bạn không thể khắc phục được; hoặc gặp phải những vết nứt nẻ lớn; hoặc không tìm được màu sơn; cũng như không sơn được sản phẩm như ý. Tốt hơn hết là bạn nên nhờ đến tay nghề của những người thợ để khắc phục. Như thế vừa đỡ tốn công sức; mà những món đồ gỗ nhà bạn lại được bảo đảm về chất lượng.
Trên đây là thông tin về những lý do khiến đồ gỗ nhà bạn bị nứt nẻ, cong vênh; hướng dẫn bạn cách khắc phục tại nhà. Tuy nhiên khách hàng của Xưởng gỗ An Lạc thì hoàn toàn yên tâm vì chúng tôi bảo hành sản phẩm lên tới 10 năm, và có thợ tay nghề cao giúp bạn làm việc này.